Cùng “Bác Sĩ Thời Gian” khám phá thế giới ngàn chi tiết bên trong những chiếc đồng hồ hiệu!

Bạn đã từng sửa một món đồ nào đó, tháo ra nhanh nhẹn… nhưng lắp lại thì thấy dư vài con ốc?

Trong thế giới đồng hồ – điều đó là không được xảy ra. Vì chỉ cần một chi tiết nhỏ lắp sai, cả chiếc đồng hồ sẽ không hoạt động được.

Tại Người Bạn Vàng, người giữ cho những chuyển động ấy luôn chính xác là anh Nguyễn Ngọc Tây – Chuyên viên Thợ kỹ thuật đồng hồ với gần thập kỷ kinh nghiệm. Anh là người trực tiếp tiếp nhận, kiểm tra, bảo dưỡng các mẫu đồng hồ được khách hàng gửi gắm khi trao đổi, cầm cố.

Cùng theo dõi câu chuyện của người đàn ông giữ nhịp thời gian bằng đôi tay cẩn trọng, trái tim say nghề và cái tâm của một người làm dịch vụ tử tế.

Nối dài sự sống cho một nhịp điệu có linh hồn

Bên trong những căn phòng nhỏ, tách biệt với âm thanh bận rộn của Hội sở Người Bạn Vàng, “bác sĩ thời gian” Ngọc Tây đang chăm chú với công việc. Anh đeo găng ngón tay, lích kích dụng cụ, máy móc, đeo kính lúp, tỉ mẩn “chữa bệnh” cho những chiếc đồng hồ nhỏ nhắn. Căn phòng yên ắng đến nỗi có thể nghe rõ từng tiếng tích tắc đều đều vang lên khe khẽ. 

“Nhìn bề ngoài, đồng hồ chỉ là một vật bé nhỏ. Nhưng bên trong nó là cả một thế giới vận hành chính xác đến từng phần trăm milimet – một thế giới mà càng bước vào, tôi càng cảm thấy mình bé lại trước trí tuệ và sự tinh tế của những người tạo ra nó.” – Anh Tây chia sẻ về sự mê hoặc của những cỗ máy thời gian nhỏ bé nhưng tinh vi đến kỳ lạ.

Mỗi chiếc đồng hồ cơ có thể chứa tới 250–300 chi tiết như bánh răng, dây tóc, chân kính, ốc vít… Những dòng đồng hồ có tính năng cao cấp như tourbillon, lịch vạn niên, báo thức, chronograph… thì số chi tiết có thể lên đến 500–1000. Tất cả đều phải được lắp đúng vị trí, đúng lực siết, đúng thứ tự.

Chính vì thế, người thợ không chỉ cần kỹ thuật mà còn cần sự yêu nghề, cẩn trọng và kiên trì. Từ thao tác tháo lắp, làm sạch, bảo dưỡng, hiệu chỉnh… đến việc lắp lại từng linh kiện nhỏ bằng hạt đường – tất cả đều cần một sự tập trung gần như tuyệt đối. 

Học hỏi là một phần nhịp đập của nghề

Để học được kỹ thuật sửa đồng hồ cơ bản cần từ 1,5–2 năm. Với đồng hồ cao cấp – thời gian ấy còn kéo dài gấp đôi, gấp ba.  Người thợ phải học qua thực hành, va chạm, mày mò và đôi khi phải đánh đổi bằng chính những chi tiết đắt đỏ khi chưa “quen tay”. Nghề không vội, không chiều người nóng tính. Những người ở lại được, thường là những người đã học cách điềm tĩnh và thực sự yêu từng bánh răng, từng nhịp chuyển động – như một phần đời sống của chính mình.

Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm, anh Tây vẫn luôn duy trì thói quen học hỏi để theo kịp các dòng máy mới – từ automatic, quartz đến những mẫu đồng hồ cao cấp có tính năng đặc biệt.

“Mỗi chiếc đồng hồ là một tổ hợp kiến thức: kỹ thuật Thụy Sĩ, máy Nhật, thiết kế Ý, chất liệu Đức… Mỗi cỗ máy là kết tinh của nhiều công nghệ từ khắp nơi trên thế giới, buộc người thợ phải liên tục học hỏi. Nếu dừng lại – nghĩa là đang tụt lại sau hàng trăm phiên bản mới ra đời mỗi năm.” 

NBV – nơi đầu tư bài bản cho từng nhịp kim đồng hồ

Xác định đồng hồ hiệu là một trong những dịch vụ cốt lõi, Người Bạn Vàng đầu tư đầy đủ các thiết bị và dụng cụ đạt chuẩn quốc tế ngay từ đầu: kính lúp chuyên dụng, máy kiểm tra độ chính xác, thiết bị đo độ chống nước, máy siêu âm làm sạch…

Tại Người Bạn Vàng, chúng tôi tin rằng sự siêng năng, cẩn trọng và uy tín trong nghề chính là những giá trị không thể thay thế – và anh Tây là một trong những người cùng chúng tôi giữ gìn điều đó một cách bền bỉ nhất.